Tiểu sử Vương_Chiêu_Quân

Tên gọi

Vương Chiêu Quân tên thật là Tường (薔[3], 牆, 檣[4] hoặc 嬙[5]), tựChiêu Quân (昭君), cũng trong Hậu Hán thư lại nói "tên Chiêu Quân, tự là Tường", người ở quận Nam (南郡; nay là huyện Hưng Sơn, tỉnh Hồ Bắc)[6].

Cái tên [Chiêu Quân; 昭君] có một ý nghĩa rất lớn. Sách Thuyết văn (说文) nói: 「"Chiêu, nhật minh dã"; 昭,日明也。」, có nghĩa chữ "Chiêu" là nói đến ánh sáng của mặt trời, mà mặt trời khi xưa thường ví Thiên tử. Còn như "Quân", là một phong hiệu từ thời Tiên Tần dùng cho các vương thất công tử, như Mạnh Thường quân hay Xuân Thân quân, đời nhà Hán thường hay phong tước Quận quân cho các nữ quý tộc (như chị cùng mẹ của Hán Vũ Đế là Tu Thành quân Kim Tục), hoặc lại có lệ đặt tên con gái theo chữ này, như Hứa Bình Quân, Hoắc Thành QuânVương Chính Quân.

Cái tên "Chiêu Quân", ý nói Hán Hoàng rọi sáng Hung Nô, một biểu trưng rất lớn, nên nhiều người cho rằng "Vương Chiêu Quân" là có được tên này chỉ sau khi Vương thị được chọn làm vợ cho Thiền vu. Thời nhà Tấn, Tư Mã Chiêu được tôn làm Vũ Hoàng đế, kị húy "Chiêu", do đó Chiêu Quân bị sửa thành [Minh Quân; 明君], sử thường gọi là [Minh phi; 明妃].

Nhập cung Hán

Hành trạng của Vương Chiêu Quân được ghi tương đối vắn tắt, đều chỉ tìm thấy trong mục "Truyện về Hung Nô" của cả hai sách Hán thưHậu Hán thư. Theo cả hai sách này ghi lại, Chiêu Quân tiến vào Hán cung của Hán Nguyên Đế, thân phận là một Gia nhân tử, tức hàng phi tần vô danh không có tước hiệu trong chế độ nhà Hán[7]. Năm Cánh Ninh nguyên niên (33 TCN), Thiền vu Hung NôHô Hàn Tà (呼韓邪) đến kinh đô Trường An để tỏ lòng thần phục nhà Hán, đề nghị được trở thành con rể của Nguyên Đế. Hoàng đế thuận theo, ban cho cho 5 cung nhân trong hậu cung, và một trong số ấy là Vương Chiêu Quân[8].

Sách Hậu Hán thư có nói khá chi tiết về câu chuyện của Chiêu Quân, khi ấy Chiêu Quân nhập cung nhiều năm mà chưa từng được diện Thánh, oán hận, bẩm Dịch đình lệnh tự tiến cử mình đi Hung Nô. Khi đến triều bái kiến, nàng được tả 「"Phong dung tịnh sức, quang minh Hán cung. Cố cảnh bùi hồi, tủng động tả hữu"; 豐容靚飾,光明漢宮,顧景裴回,竦動左右。」. Trông thấy Chiêu Quân như vậy, Hán Nguyên Đế kinh ngạc, muốn lưu lại nhưng không thể thất tín, bèn luyến tiếc để Chiêu Quân đi. Từ đó Chiêu Quân trở thành vợ của Hô Hàn Tà, xưng hiệu Yên chi (閼氏), là tên hiệu những người vợ có địa vị của các Thiền vu Hung Nô. Trước khi cưới Chiêu Quân, Hô Hàn Tà đã có khá nhiều Yên chi, trong đó có Chuyên Cừ Yên chi (颛渠阏氏) và Đại Yên chi, người sinh ra con trưởng Phục Chu Luy Nhược Đề của Hô Hàn Tà.

Sau khi về Hung Nô, Chiêu Quân lại được Hô Hàn Tà theo lệ lập làm Yên chi với phong hiệu Ninh Hồ Yên chi (寧胡阏氏), trong đó hai chữ "Ninh Hồ" về mặt chữ Hán có nghĩa là "Yên ổn người Hồ". Theo phân tích, "Chiêu Quân" cùng "Ninh Hồ" về căn bản đều là những cái tên mang màu sắc chính trị lớn, không hề tầm thường. Hai cái tên này đối ứng nhau, mang hàm nghĩa chính trị tương quan giữa Hán và Hung Nô, kết quả khiến Vương Chiêu Quân mang trọng trách làm cầu nối giữa hai nước.

Cuộc sống ở Hung Nô

Từ khi làm Yên chi của Hô Hàn Tà, Vương Chiêu Quân tại Hung Nô đã sinh được 1 người con trai, tên gọi là Y Chư Trí Nha Sư (伊屠智牙師), về sau có xưng hiệu là Hữu Nhật Trục vương (右日逐王). Nhưng vấn đề này Hậu Hán thư ghi Chiêu Quân sinh 2 con trai[9][10][11][12]. Theo thể chế Hung Nô, "Nhật Trục vương" thuộc về sở hạt của Tả Hiền vương (左賢王), quản lý các bộ phía Đông của Hung Nô, thường đều lấy con trai của Thiền vu đảm nhiệm.

Năm Kiến Thủy thứ 2 (31 TCN), Hô Hàn Tà chết, con trai lớn của Hô Hàn Tà lên làm Thiền vu tiếp theo, tên là Phục Chu Luy Nhược Đề (復株累若鞮). Chiêu Quân muốn trở về Trung Quốc, nhưng Hán Thành Đế đã buộc Chiêu Quân phải theo tập quán nối dây của người Hung Nô[13] và Chiêu Quân phải làm Yên chi của Phục Chu Luy Nhược Đề. Trong cuộc hôn nhân mới này Chiêu Quân có hai người con gái, Tu Bốc Cư Thứ (須卜居次) và Đương Vu Cư Thứ (當于居次)[14]. Con gái cả tên [Vân; 云], chồng là Tu Bốc Đương (須卜當), nên gọi ["Tu Bốc Cư Thứ"], trong đó "Cư Thứ" ý là công chúa[15]. Con gái thứ không rõ tên.

Năm Hồng Gia nguyên niên (20 TCN), Phục Chu Luy Nhược Đề qua đời. Không rõ khi nào Vương Chiêu Quân qua đời, được táng tại Thanh Trủng. Thời Hán Bình Đế, Thái hoàng thái hậu Vương Chính Quân lâm triều xưng chế, đem Tân Đô hầu Vương Mãng bỉnh chính quốc sự, con gái của Vương Chiêu Quân là Tu Bốc Cư Thứ vào Trường An để hầu Thái hoàng thái hậu, được thưởng hậu[16][17]. Sau đó, Vương Mãng lập nhà Tân, cùng Hung Nô tranh chấp, đến năm Thiên Phượng nguyên niên (14), vợ chồng Tu Bốc Cư Thứ tại Trường An khuyên Hung Nô nghị hòa, nên phong cháu trai của Chiêu Quân là Vương Hấp (王歙) tước hiệu Hòa Thân hầu (和親侯)[18].